Bữa đó, sau cuộc họp chi đoàn bàn về tính xung kích của đoàn viên trong mùa huấn luyện mới, anh em đang túm năm tụm ba sôi nổi tranh luận về sự ra đời, đặc điểm cấu tạo và uy lực của súng cối. Nhiều ý kiến rất hay. Có người còn đề nghị nên bỏ từ súng cối mà gọi là súng moóc-chi-ê như tiếng Pháp nghe oách hơn. Cuộc tranh luận đang hăng, bỗng cậu Tèo, chiến sĩ “bê 3” rụt rè đứng lên. Cậu ta hắng giọng rồi nói:

– Vấn đề súng cối hay moóc-chi-ê chi đó, chúng ta đều rõ. Tóm lại đó là thứ vũ khí hỗ trợ rất đắc lực cho bộ binh trong chiến đấu. Nhưng tôi có một chút băn khoăn. Chả là trong quân đội ta hiện thời lính ta đội rất nhiều loại mũ. Nào là mũ sắt, mũ nồi, mũ mềm, mũ bằng hay kê-pi cũng thế. Mũ sắt thì rõ rồi vì nó làm bằng… sắt. Mũ nồi cũng đã rõ vì nó giống hình cái… nồi. Mũ mềm thì càng rõ, bởi nó… mềm, gọi mũ kê-pi là bởi nó được dịch ra từ tiếng nước ngoài, còn lính ta thì thường gọi là mũ bằng vì phía trên nó… bằng. Thưa tất cả anh em, còn cái mũ chúng mình đang đội trên đầu, lính ta vẫn gọi là mũ cứng, theo tôi thấy gọi như thế là phải bởi vì nó… cứng. Nhưng tôi lại thấy cái mũ này chẳng có họ hàng, giống má gì với súng cối cả, tại sao nó còn có tên là mũ cối ạ?

Ảnh: Minh họa

Chúng tôi nghe xong, ai cũng tròn mắt nhìn nhau. Đúng quá! Ra vấn đề đấy! Cái mũ đội trên đầu là… cái mũ, nó có liên quan gì đến súng cối đâu, sao gọi là mũ cối được? Tôi cũng  đỏ mặt tía tai chưa biết trả lời sao. Trấn tĩnh lại, nghĩ lính ta vốn thông minh, trong đại đội thế nào cũng có người giải đáp được câu hỏi, tôi liền đứng dậy hỏi rất dõng dạc:

– Nào! Có ai trả lời được câu hỏi của đồng chí Tèo không, giơ tay?

– Báo cáo, tôi có ý kiến ạ!

Thì ra đó là cậu Bích “gu gồ”, biệt danh của cánh lính đặt cho. Bởi cậu ta biết khá nhiều. Bích “gu gồ” hiên ngang đứng dậy, xoa tay, nhún vai mấy cái, tưng tửng:

– Tôi đã nghiên cứu rất kỹ bách khoa từ điển về pháo cối, tuyệt nhiên không thấy dòng nào nói cái mũ cứng là anh em với súng cối cả! Nhưng bố tôi, như các đồng chí đã biết là một cựu chiến binh thời đánh Mỹ. Ông cũng là xạ thủ súng cối 81 ly. Tôi muốn nói thêm, như các đồng chí đã biết súng cối 81 ly là súng cối của địch, ta thu được, chứ súng cối của ta là 82 ly…

– Cái đó ai chẳng biết – tôi sốt ruột gắt lên – Chuyện súng cối có liên quan gì đến mũ cối?

– Thì cũng phải mào đầu, mào đuôi mới ra cái chuyện chứ – Bích “gu gồ” vẫn rề rà – Bố tôi kể, ngày xưa cái mũ cứng anh em lính ta vẫn gọi là mũ… cứng thôi. Như cách có câu hát “Ngày xưa biển không có sóng như bây giờ” ấy. Thế rồi có một hôm, đơn vị ông trên đường vào mặt trận, dừng lại học chính trị ở một bãi đất trống giữa rừng. Tất cả pháo cối đều “ngồi” trên đế, đứng trước hàng quân vào tư thế sẵn sàng chiến đấu rất uy nghi. Thế rồi bất chợt sấm chớp đùng đùng. Rồi mưa! Mưa rừng các đồng chí biết không, dữ dằn, ghê gớm lắm. Cối pháo thì đang “đứng”, tháo nòng ra khỏi chân cối sao kịp, mà bạt phủ nòng loại cối 81 ly thu của địch này làm gì có. Quyết bảo vệ vũ khí, không để súng pháo dầm mưa, lính ta liền cởi cái mũ cứng đang đội trên đầu đội cho cối, còn bộ đội thì đứng chịu trận cho mưa quất té tát. Thế đấy! Bích “gu gồ” lại xoa tay, hít hà – Người ta bảo “tiếng lành đồn xa”, chí lý lắm! Chuyện lính ta cởi mũ che cho nòng pháo cối, rồi đứng dưới trời mưa như trút chẳng hiểu sao loang ra. Từ đó tự dưng cái mũ cứng có thêm cái tên mũ cối.

Bí thư chi đoàn tôi thở phào. Anh em ai nấy nhìn nhau gật gật đầu rồi cũng thở phào. Rồi mọi người đứng cả dậy tung Bích “gu gồ” lên như các cầu thủ tung huấn luyện viên trận đội bóng mình vô địch. Chao ôi là tưng bừng…!

Nguồn: Truyện vui của Đan Nghi